Cẩm nang nuôi tôm
"Bắt bệnh" trái quy định, người nuôi tôm chịu thiệt (04/11/2018)
 

 

"Bắt bệnh" trái quy định, người nuôi tôm chịu thiệt
Kinh doanh thuốc thú y, chẩn đoán bệnh thủy sản cần tuân thủ các quy định
 

Qua đợt kiểm tra vừa qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thú y vi phạm các quy định trong nuôi trồng thủy sản.

Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thành lập đoàn đi kiểm tra công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển giống, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản tại một số địa phương.

Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: "Qua kiểm tra còn nhiều tồn tại, vi phạm ở các cơ sở kinh doanh thuốc thú y; kiểm tra, chẩn đoán bệnh thủy sản trái quy định tại Thạch Châu (Lộc Hà), Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Kỳ Châu (huyện Kỳ Anh), Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) và Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh).

Vẫn còn tình trạng thả tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch

Một số vùng nuôi trồng thủy sản còn sử dụng thuốc y tế như ở xã Thạch Châu (Lộc Hà), Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh), Kỳ Hà (TX Kỳ Anh). Ngoài ra, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) chưa thực hiện nghiêm túc việc giám sát, báo cáo tình hình xuất, nhập giống vào địa bàn; giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch tại vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến; giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch chậm. Đặc biệt, một số vùng nuôi tôm ở xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh), Thạch Trị (Thạch Hà), Kỳ Hà (TX. Kỳ Anh) giấu dịch, xả thải nước và tôm chết chưa qua xử lý ra ngoài môi trường...

"Việc không tuân thủ các quy định làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, việc kinh doanh, chẩn đoán bệnh thủy sản trái quy định là rất nguy hiểm khi "bắt bệnh" không chính xác sẽ gây thiệt hại cho người nuôi trồng. Những vùng nuôi tôm thả giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, giấu dịch, xả thải nước và tôm chết ra môi trường... là một trong những nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường...." - bà Hoàn cho hay.

Ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng: Mặc dù ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý dịch bệnh, kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển giống, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, nuôi trồng thủy sản... để phát hiện sai phạm, chấn chỉnh kịp thời.

Khắc phục những tồn tại, Sở NN&PTNT vừa ban hành văn bản số 2001/SNN-CNTY ngày 16/10/2018 gửi các huyện ven biển, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý dịch bệnh, kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển giống, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản.

Kinh doanh thuốc thú y, chẩn đoán bệnh thủy sản cần tuân thủ các quy định

Mặt khác, các địa phương chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo, xử lý dịch bệnh kịp thời khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; quản lý cấp phát, sử dụng hóa chất đúng mục đích, hiệu quả; rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Theo Hữu Trung -  Báo Hà Tĩnh
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành