Thông báo
Người nông dân làm giàu từ con tôm (10/10/2017)

 

Với 6ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, thu về hàng tỉ đồng mỗi năm, chú Tăng Văn Xúa ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền.
Người nông dân làm giàu từ con tôm
Chú Tăng Văn Xúa (ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu) bên ao tôm sắp cho thu hoạch.

Trao đổi với chúng tôi, chú Tăng Văn Xúa cho biết: “Những năm trước đây, TX. Vĩnh Châu nói chung và xã Hòa Đông nói riêng chỉ sản xuất độc canh 1 vụ lúa. Do phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất, sản lượng lúa thấp, giá cả bấp bênh, năm trúng năm thất… Sau khi có chủ trương về chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ mọi mặt nên gia đình tôi cũng như nhiều bà con địa phương bắt đầu chuyển từ trồng lúa sang đầu tư nuôi tôm”.

Cũng theo chú Xúa, trong những năm đầu khi mới bắt đầu nuôi tôm do chưa rành về kỹ thuật nên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tập trung đầu tư về thủy lợi, giao thông, điện, hỗ trợ vốn vay nên bà con có điều kiện tổ chức sản xuất một cách chủ động và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, chú thường xuyên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm ở các địa phương khác và tìm hiểu học tập qua báo, đài; đồng thời, được tiếp cận với những kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi tôm qua các lớp tập huấn, hội thảo do các ngành chức năng hướng dẫn… từ đó, chú Xúa đã mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến kỹ thuật trong nuôi tôm.

Mới đây nhất là vào năm 2016, để con tôm thích nghi với những diễn biến thất thường của thời tiết, ngoài phương pháp nuôi truyền thống, chú Xúa đã đầu tư áp dụng phương pháp xi phông đáy ao và lót bạt ao nuôi tôm. Để thực hiện mô hình này, nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng/1 ao nuôi có diện tích 1.500m2. Theo chú Xúa, nếu thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật thì phương pháp xi phông sẽ loại bỏ chất thải ở đáy ao, hạn chế sử dụng trực tiếp hóa chất trong ao nuôi tôm, nâng cao năng suất tôm nuôi và có thể kéo dài thời gian nuôi để thu hoạch tôm vào thời điểm có giá bán cao nhất. Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này còn hạn chế được dịch bệnh, khi nuôi ít bị rủi ro.

Hiện nay, diện tích nuôi vừa tôm sú và thẻ chân trắng của gia đình chú Tăng Văn Xúa lên đến 6ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 37 tấn tôm, với giá bán trung bình khoảng 120.000 đồng/kg, chú Xúa cũng thu về hàng tỉ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm để thành công, chú Tăng Văn Xúa bật mí: “Để thành công trong nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng thì nguồn vốn là yếu tố quyết định. Sau đó, việc áp dụng đúng khoa học kỹ thuật là quan trọng; trong đó, yếu tố con giống phải tốt, sạch bệnh, môi trường nước ở ao nuôi phải đảm bảo vệ sinh để tránh rủi ro khi nuôi”. Qua nhiều năm nuôi tôm, chú Tăng Văn Xúa đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kỹ thuật để áp dụng vào nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, sản lượng tôm năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận tăng dần, kinh tế gia đình giàu lên nhờ nuôi tôm.

Với những kiến thức nuôi tôm của bản thân, chú Xúa thường xuyên quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như vốn, khoa học kỹ thuật cho nhiều hộ khó khăn ở địa phương để cùng vươn lên làm giàu chính đáng. Hàng năm, chú Xúa còn hỗ trợ cung cấp tôm giống cho khoảng 40 hộ nghèo trong ấp; hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho khoảng 100 hộ cùng làm theo… qua đó, đã giúp cho hơn 25 lao động có việc làm, giúp đỡ cho 12 lượt hộ nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, chú đóng góp sửa chữa cầu, lộ nông thôn trị giá hơn 35 triệu đồng, nhận đỡ đầu giúp đỡ cho 2 trường hợp trẻ em khuyết tật 10 triệu đồng/năm…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) Đặng Út Em nhận xét: “Nhiều năm qua, chú Tăng Văn Xúa được hội nông dân các cấp công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật và con giống cho bà con gặp khó khăn ở địa phương, chú Xúa còn tự nguyện tham gia vào các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để đảm bảo vì mục đích phát triển nghề nuôi tôm ngày càng hiệu quả và bền vững”.

Theo Báo Sóc Trăng
 
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành