Hợp tác quốc tế
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho tôm xuất khẩu (01/01/2015)
 
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho tôm xuất khẩu
 
Ảnh minh họa

 

 

Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Chỉ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định của nhà nhập khẩu, có đầu ra ổn định thì nghề nuôi tôm mới có thể phát triển bền vững.

Nuôi tôm ở nước ta phát triển nhanh, song một số nơi còn mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp, đã dẫn đến tôm nuôi thường xuyên bị bệnh. Cho nên để thu được kết quả thì người nuôi phải sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho tôm. Hiện nay, các nước nhập khẩu đã sử dụng hàng rào kỹ thuật đưa vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Chính vì vậy, muốn sản phẩm tôm xuất khẩu được thì phải thực hiện các biện pháp sau để vượt qua rào cản này.
Tôm sạch là tôm không nhiễm vi khuẩn gây bệnh và không có dư lượng các hoá chất, thuốc kháng sinh cấm sử dụng. Vì vậy, để có sản phẩm sạch, ngay từ bây giờ cần thực hiện tích cực các biện pháp đồng bộ từ khâu quản lý đến sản xuất nguyên liệu và thu gom, chế biến sản phẩm.
Ngành thuỷ sản nên tăng cường năng lực kiểm tra cả về lực lượng kỹ thuật và trang bị phương tiện hiện đại, để có thể kiểm tra nhanh, chính xác và báo cáo kịp thời về bệnh, diễn biến môi trường, mức nhiễm hoá chất, kháng sinh. Phối hợp với các trường đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm kiểm tra chất lượng vệ sinh thuỷ sản tổ chức tập huấn kỹ thuật kiểm tra bệnh, kỹ thuật kiểm nghiệm dư lượng hoá chất, kháng sinh bằng thiết bị tiên tiến cho cán bộ chuyên môn của các địa phương.
Quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung: Ðể hạn chế việc phải sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho tôm, trước hết tôm nuôi phải khoẻ mạnh. Sức khoẻ của tôm phụ thuộc lớn vào điều kiện môi trường sống. Nếu nước sạch, không có các tác nhân gây bệnh, tôm được đáp ứng đầy đủ thoả mãn các điều kiện kỹ thuật cần thiết sẽ lớn nhanh, phát triển tốt, không mắc bệnh, cho năng suất cao.
Nên qui hoạch vùng nuôi để xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ, đặc biệt chú ý tới hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải sau khi đã sử dụng nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cho toàn khu vực, đưa ra biện pháp có hiệu quả nhất đối với các vùng nuôi có diện tích tập trung. Kiểm tra thường xuyên môi trường các vùng nuôi, có biện pháp mạnh ngăn chặn các điểm nuôi không tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tự nhiên và môi trường vùng nuôi tập trung.
Nên quy hoạch các vùng nuôi tôm theo các phương thức nuôi tôm sạch, có thể thực hiện giải pháp xây dựng điểm xử lý tập trung, điểm thu gom chất thải rắn của quá trình vét bùn tẩy dọn đáy ao, có sự đóng góp kinh phí của cộng đồng, có như vậy mới chấm dứt tình trạng thải nước trực tiếp từ ao nuôi ra nơi lấy nước chung của cả vùng và thải nước chưa xử lý ra môi trường tự nhiên. Những dự án nuôi tôm mới được phê duyệt, cần thực hiện theo qui chế quản lý môi trường vùng nuôi tập trung, nhằm giữ được môi trường sạch, tạo sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, để sản phẩm nuôi có đầu ra mới có thể phát triển nuôi ổn định và bền vững.
Kiểm tra thường xuyên các điểm dịch vụ thức ăn, hoá chất, thuốc thú y thuỷ sản; kiểm tra môi trường vùng nuôi; kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản nhất là các chợ đầu mối. Kiên quyết xử lý các trường hợp còn cất dấu, mua bán những sản phẩm có chứa hoá chất, thuốc kháng sinh đã cấm sử dụng. Tất cả tôm giống thả nuôi nên kiểm dịch, để ngăn ngừa lây lan bệnh ra diện rộng. Công tác kiểm dịch phải được thực hiện trước hết tại cơ sở sản xuất giống kể cả tôm bố mẹ và tôm giống xuất trại. Kiên quyết không để vận chuyển giống từ những vùng phát hiện có mầm bệnh phát tán ra các vùng khác.
Để gắn trách nhiệm của người sản xuất với sản phẩm của mình, thì hàng thuỷ sản xuất khẩu phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm tra việc bảo quản sau thu hoạch của các cơ sở, cá nhân thu gom tôm nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến, xử lý mạnh đối với các trường hợp sử dụng hoá chất cấm, để bảo quản tôm nguyên liệu.
Các doanh nghiệp chế biến hàng thuỷ sản xuất khẩu nên kiểm tra trực tiếp chất lượng nguyên liệu tại nơi sản xuất trước khi thu mua. Các doanh nghiệp cần chủ động tạo nguồn nguyên liệu sạch, thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn, có thể ứng trước một phần vốn sản xuất cho vùng nuôi tôm nguyên liệu, để người nuôi yên tâm sản xuất và có trách nhiệm với sản phẩm, giảm dần tình trạng phải thu mua nguyên liệu thông qua các chủ vựa mua gom không rõ xuất xứ, nguồn gốc.
Công tác khuyến nông và thông tin tuyên truyền cần được tăng cường, để khuyến cáo cho nông, ngư dân hiểu rõ về vấn đề dư lượng hoá chất và kháng sinh trong sản phẩm thuỷ sản. Chỉ khi người dân nhận thức đúng, đầy đủ, thấy rõ ý nghĩa của vấn đề có liên quan trực tiếp đến thu nhập của họ nếu sản phẩm làm ra mà không bán được, từ đó tự giác họ áp dụng các biện pháp nuôi sạch, không sử dụng hoá chất và thuốc kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi tôm và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch thì mới tạo được sản phẩm sạch.
Xây dựng mạng lưới thông tin khuyến nông 2 chiều kể cả những thông tin về kinh tế, thị trường, kỹ thuật từ Trung ương đến tận người sản xuất, để phục vụ kịp thời cho công tác quản lý sát với thực tế, người sản xuất tiếp cận nhanh với kỹ thuật và sản xuất ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Tổng kết các mô hình nuôi tôm có hiệu quả kinh tế cao, không sử dụng hoá chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng, để có thể nhân rộng. Xây dựng các mô hình bảo quản, chế biến sau thu hoạch không sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh cấm sử dụng.
Chủ động sản xuất giống tại chỗ để tạo con giống khoẻ, thích nghi với điều kiện môi trường ở địa phương, hạn chế được dịch bệnh lan truyền. Những nơi còn thiếu giống, nên đưa các chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư sản xuất tôm giống. Duy trì thả giống ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi và tạo nguồn tôm bố mẹ tự nhiên phục vụ cho sản xuất giống tại chỗ. Nghiên cứu hoá chất, thuốc kháng sinh thay thế các thuốc cấm, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi tôm sạch và xây dựng tiêu chuẩn vùng nuôi tôm sạch tập trung, để hạn chế dịch bệnh và chỉ sử dụng những hoá chất, thuốc kháng sinh trong danh mục được phép sử dụng, phòng trị bệnh cho tôm.
Chọn đối tượng mới có giá trị xuất khẩu cao và có những đặc tính ưu việt, khả năng kháng bệnh cao, chịu được môi trường khắc nghiệt, để có thể thay thế một phần cho tôm sú. Nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch không dùng hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, để bảo quản sản phẩm.
Thực hiện các biện pháp quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất giống, môi trường, công nghệ nuôi, bảo quản chế biến, coi trọng quản lý cộng đồng kết hợp với việc gắn quyền lợi, trách nhiệm của chính người sản xuất đối với sản phẩm của mình làm ra, có như vậy mới có thể tạo được sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, để nâng cao uy tín chất lượng hàng thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đảm bảo cho nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm nói riêng thật sự phát triển ổn định và bền vững.

                                                       Theo Vasep - Sở NNPTNT Tiền Giang

Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành