Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ mới có 121 hộ tương đối đủ điều kiện, 84 hộ không đủ điều kiện có thể bổ sung, khắc phục, còn lại không đủ điều kiện, khó có khả năng khắc phục. Chủ yếu là thiếu ao xử lý nước thải và thiếu diện tích tối thiểu để thực hiện quy trình nuôi siêu thâm canh là 10.000 m2.
Hiện trên địa bàn xã Tạ An Khương Nam có 38 hộ nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích trên 46 ha. Qua kiểm tra, có 25 hộ thực hiện đúng quy trình.
Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Nam Vương Chí Linh cho biết: “Qua tuyên truyền và đẩy mạnh kiểm tra nên đến nay các hộ chưa đảm bảo yêu cầu đang khắc phục hạn chế”.
Đối với xã Tân Dân, có 22 hộ nuôi siêu thâm canh, diện tích hơn 25 ha. Qua kiểm tra, cơ bản các hộ thực hiện đúng quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thực hiện đúng quy trình nuôi tôm siêu thâm canh, ông Trương Tấn Trung, ấp Tân Long B, xã Tân Dân, có ao xử lý nước thải độ sâu hơn 4 m. Chất thải được xử lý Chlorine khoảng 2-3 giờ. Khi nước không còn độc hại, ông Trung mới bơm ra vuông quảng canh, thời gian sau mới đưa trở lại vào các ao lắng để cấp cho ao nuôi. Nhờ giữ được môi trường nước tốt đã giúp vụ nuôi siêu thâm canh đầu tiên của ông đạt kết quả, năng suất 40 tấn/ha.
Ông Trương Tấn Trung phấn khởi nói: “Bản thân gia đình phải thực hiện đúng các quy định của ngành chức năng. Trong quá trình xử lý nước, gia đình chủ yếu dùng Chlorine. Vài tiếng sau, nước lắng trong rồi mình bơm ra ngoài để đảm bảo môi trường”.
Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho biết: “Hiện nay, huyện đang chỉ đạo cán bộ hướng dẫn Nhân dân về quy trình, các điều kiện nuôi của Sở NN&PTNT. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra đối với những hộ không đủ điều kiện, nếu khắc phục mới cho tiếp tục nuôi. Trong quá trình nuôi, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra việc xử lý ô nhiễm môi trường”.
Huyện đang tiến hành kiểm tra, rà soát xây dựng, tổng hợp bổ sung quy hoạch nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh gồm 16 tuyến và 2 cụm tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận và ấp Nam Chánh, xã Tân Dân, diện tích 711 ha để đầu tư cơ sở vật chất cũng như xây dựng vùng nuôi an toàn cho các hộ dân.
Nhằm giúp người dân có điều kiện tiếp cận và hiểu rõ hơn những quy định, quy trình nuôi tôm siêu thâm canh đảm bảo việc xả thải ra môi trường, phát triển diện tích nuôi tôm bền vững, huyện Đầm Dơi vừa tổ chức hội nghị chuyên đề về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Thuần yêu cầu cả hệ thống chính trị trong huyện phải vào cuộc, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Khi có hướng dẫn mới của UBND tỉnh về quy trình nuôi, phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến tận hộ dân bằng nhiều hình thức để mọi người nắm rõ các quy định về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nhất là quy định về bảo vệ môi trường, đăng ký sản xuất ban đầu.
Ngoài tổ kiểm tra của huyện, mỗi xã, thị trấn phải thành lập 1 tổ kiểm tra. Nhiệm vụ kiểm tra, xử lý hộ dân vi phạm là do tổ kiểm tra của các xã, thị trấn. Khi phát hiện không đảm bảo các điều kiện theo quy định, không đảm bảo yếu tố môi trường, sẽ kiên quyết không cho nuôi. Các hộ vi phạm phải kịp thời có biện pháp xử lý. Mỗi xã, thị trấn chọn từ 1-2 hộ nuôi thực hiện tốt để mời người dân đến tham quan học tập. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn là người phải chịu trách nhiệm nếu tỉnh hoặc huyện kiểm tra phát hiện trên địa bàn có hộ nuôi không đảm bảo các điều kiện, quá trình nuôi làm ô nhiễm môi trường.