Cẩm nang nuôi tôm
Kinh nghiệm xử lý ao bị nhiễm EHP (25/07/2023)

Tác động

Đối với bệnh EHP trên tôm, nếu người nuôi không xử lý triệt để ban đầu thì sẽ khó khăn cho các vụ nuôi sau. Theo người dân, sau khi thả giống khoảng 1 tháng, tôm dễ nhiễm EHP, gây chết rải rác, rất khó nuôi và chậm lớn. Nếu tôm nhiễm nhẹ, người nuôi có thể miễn cưỡng nuôi rồi xuất bán. Nhưng nếu tôm nhiễm nặng phải nhanh chóng thu hoạch, đồng thời xử lý ao nuôi triệt để trước khi tiến hành thả nuôi trở lại. EHP không thể diệt bằng các loại hóa chất thông thường như: Chlorine, thuốc tím, formol....

 

Ảnh: Shutterstock  

Xử lý

Theo kinh nghiệm của một số người dân, để xử lý ao nuôi, có thể dùng vôi Ca(OH)2 kết hợp với NaOH để nâng độ pH trên 10. Thông thường, pha 3 kg NaOH trong 1 m3 nước và vôi để phun lên mọi vật dụng trong ao tôm, kể cả các thiết bị. Dưới đáy ao mở hết xiphong để nước hỗn hợp ngấm xuống đáy nhằm xử lý triệt để mầm bệnh. Sau đó, tiếp tục ngâm nước hóa chất này trong ao nuôi thêm 3 - 4 ngày. Đồng thời, phun thêm một lần nữa hỗn hợp vào các thiết bị, bờ ao trước khi chuyển nước này sang ao khác. Lưu ý, khi chuyển nước từ ao này sang ao khác vẫn xử lý đạt độ pH trên 10. Sau đó, tiến hành sốc ngược độ pH nước ao về dưới 5 bằng cách dùng axit HCl kết hợp Chlorine. Đồng thời, rửa thật kỹ các thiết bị chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Nguồn nước cho vụ nuôi mới cũng phải xử lý kỹ ở ao lắng. Cụ thể, sử dụng 30 ppm Chlorine, khoảng 2 kg thuốc tím và 2 - 3 l ôxy già cho 1.000 m3 nước. Khi nước trong mới được bơm vào ao nuôi.

Để hạn chế mầm bệnh, tốt nhất người nuôi nên áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Trong đó, cần chú ý kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, yếu tố phát sinh trong quá trình nuôi và yếu tố đầu ra một cách kỹ càng bởi tôm nhiễm EHP trong hệ thống nuôi cũng từ các yếu tố này mà ra. Đồng thời, đặc biệt lưu ý hiện tượng nhiễm chéo giữa các khu vực nuôi; thậm chí công nhân trong quá trình nuôi không chú ý, đưa thực phẩm từ bên ngoài vào như cua, ghẹ, cá, tôm cũng có thể là nguồn gây nhiễm cho hệ thống nuôi.

Mô hình nuôi bảo đảm phòng chống EHP tốt là mô hình an toàn sinh học, kiểm tra chặt chẽ các nguồn tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm từ chất thải, nước thải, thức ăn, con giống, vật dụng, thiết bị, máy móc, con người, súc vật… Trong quá trình nuôi, có thể từ khâu bảo quản bất cẩn, bao bì bẩn cũng là nguyên nhân lây nhiễm EHP trong hệ thống. Do đó, người nuôi cần ngăn chặn và tiêu diệt hàu, ốc đinh, tép trứng và ruốc trong môi trường ao nuôi bằng cách ngăn chặn đường xâm nhập từ bên ngoài vào; xiphong đáy ao thường xuyên; cải thiện chất lượng nước ao nuôi, đặc biệt là hàm lượng khí độc nitrite và ammonia trong ao cần duy trì ở mức thấp. Tất cả đều phải được kiểm soát kỹ càng và sát trùng cẩn thận để tránh nguy cơ lây nhiễm ra diện rộng. Khi tôm đã bị nhiễm EHP, có dấu hiệu phân trắng thì cần kết thúc vụ sớm và đưa toàn bộ hệ thống vào quy trình xử lý như ban đầu để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Nguồn: (Contom.vn)

Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành