Hạ tầng nuôi tôm chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, việc kiểm soát môi trường nước gặp nhiều khó khăn dẫn đến khi tình hình dịch bệnh xảy ra số lượng tôm chết tăng cao, nhất là những địa phương mà hạ tầng nuôi tôm còn hạn chế.
Bạc Liêu đang phát triển mạnh nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao - Ảnh: Chí Quốc
Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), chia sẻ với Tuổi Trẻ như vậy khi nói về hệ lụy của việc hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản phát triển không theo kịp đà tăng trưởng nóng của ngành tôm ở ĐBSCL.
Ông Luân nói: Dù trung ương và địa phương đã dành một nguồn lực nhất định để nâng cấp hạ tầng nuôi thủy sản nói chung, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên so với nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu tôm lên tới 3-4 tỉ USD, mức độ đầu tư cho hạ tầng nuôi tôm đến nay vẫn còn hạn chế.
* Với một ngành đem về mỗi năm 3-4 tỉ USD, vì sao hạ tầng phục vụ ngành này vẫn còn hạn chế, phải chăng chưa được quan tâm đúng mức, thưa ông?
- Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho phát triển con tôm là rất cần thiết. Tuy nhiên một trong những khó khăn là hoạt động nuôi tôm đang khá phân tán, khoảng 740.000ha nuôi tôm trải dài ở 28 địa phương, tập trung nhiều ở khu vực ĐBSCL, với quy mô của các mô hình nuôi vẫn còn nhỏ lẻ.
Hơn nữa, hoạt động nuôi tôm đã phát triển nóng trong những năm gần đây, hạ tầng không theo kịp mà cần phải có thời gian để có kế hoạch lập các dự án đầu tư công.
Bộ NN&PTNT luôn nhắc nhở các địa phương phải rà soát, đề xuất những dự án phù hợp để giúp cơ sở hạ tầng trong ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng được tốt hơn.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tạo được sự đồng thuận của người dân, cùng chia sẻ đất để tạo hạ tầng giao thông rộng hơn, tạo hệ thống kênh mương cấp thoát nước tốt hơn. Khi có sự tham gia của người dân, các dự án đầu tư này chắc chắn sẽ thành công.
Ông Trần Đình Luân, cục trưởng Cục Thủy sản
* Theo ông, khu vực ĐBSCL, đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau cần làm gì để cải thiện vấn đề môi trường nước cho nuôi tôm?
- Trước hết, các địa phương phải rà soát lại các khu vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm để có kế hoạch xây dựng các dự án đầu tư nhằm nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng được tốt hơn.
Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, việc kêu gọi đầu tư của người dân và doanh nghiệp cũng rất cần thiết.
Cùng với đó là phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật. Ví dụ, có thể nuôi tôm theo quy trình hạn chế, ít thay nước, nuôi theo hướng tuần hoàn và đặc biệt là sử dụng các chế phẩm sinh học.
Tuân thủ các quy định quản lý môi trường trong quá trình nuôi để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là rất cần thiết. Ý thức quản lý của từng chủ trang trại/hộ nuôi tôm được nâng cao sẽ góp phần đảm bảo cho môi trường vùng nuôi được an toàn, bền vững hơn.
Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật từ con giống có chất lượng, mật độ nuôi phù hợp, đến quá trình chăm sóc thật tốt để giảm tối đa rủi ro đối với người nuôi cũng rất cần thiết.
* Các mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, gắn với chế biến, tái chế phụ phẩm... có phải là hướng đi phù hợp với người nuôi tôm?
- Không chỉ giúp giảm tối đa việc xả thải ra ngoài môi trường, các mô hình nuôi tôm tuần hoàn cũng hạn chế việc lãng phí các nguồn tài nguyên khác, đặc biệt là những sản phẩm trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến những phụ phẩm.
Đến nay, các địa phương đã có rất nhiều mô hình để tái chế, tái sử dụng coi như là nguồn nguyên liệu đầu vào cho một ngành sản xuất khác đã có hiệu quả.
Đây là một trong những hướng để nâng cao hiệu quả, giảm tác động đến môi trường và tính bền vững mô hình được nâng cao lên rất nhiều.
Trước bối cảnh của biến đổi khí hậu, giảm phát thải, áp lực giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả, mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn là điều cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
* Với nhiều ưu điểm như vậy, vì sao các mô hình này vẫn chưa được nhân rộng, thưa ông?
- Trong thực tế, có rất nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn, bền vững nhưng chưa nhân rộng được vì chúng ta chưa thay đổi được nhận thức của người dân. Ví dụ, khi muốn đầu tư trang thiết bị công nghệ cao, Nhà nước lại phải hỗ trợ và đây là điều rất khó.
Nhiều người nuôi cũng không mặn mà thay đổi công nghệ nuôi, bởi sản phẩm có chất lượng cao hơn nhưng chưa có cơ chế minh bạch nên giá bán chưa thực sự cao hơn công nghệ cũ.
Các thương lái, doanh nghiệp ta lại thu mua kiểu đánh đồng. Do đó, rất cần xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm có chất lượng, bảo vệ môi trường và tuân thủ các chuẩn mực khác nhau.
Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp cùng các địa phương động viên người dân nhân rộng mô hình tuần hoàn, mô hình tôm - lúa, tôm - rừng... và các mô hình tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi và các ngành khác có liên quan.
Nuôi tôm tuần hoàn không chỉ giúp tôm sạch bệnh mà còn tiết kiệm chi phí do ít dùng hóa chất, kháng sinh và ít thay nước - Ảnh: CHÍ QUỐC
* Để xây dựng một ngành tôm bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, ngành thủy sản sẽ làm gì để tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm giá thành con tôm, thưa ông?
- Ngoài vấn đề đầu tư hạ tầng, quan trọng nhất là quy trình, công nghệ nuôi phải làm sao giảm được thiệt hại và tính tuân thủ phải tốt, minh bạch, công khai được truy xuất nguồn gốc.
Thứ hai, tổ chức lại sản xuất để làm sao người dân tiếp cận được với vật tư đầu vào, con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học với giá phù hợp, giảm tối đa trung gian.
Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi và làm sao để sản phẩm nuôi đến được nhà máy một cách ngắn nhất và lợi nhuận trong toàn bộ các mắt xích trong chuỗi phải đảm bảo được chia đều.
Ngoài các mô hình tuần hoàn gắn với chế biến, tái chế phụ phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng là một vấn đề then chốt để chúng ta xây dựng được thương hiệu minh bạch, truy xuất nguồn gốc và giá thành phù hợp.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ