Chín tháng đầu năm 2017, NK tôm vào Bỉ đạt 37.280 tấn, trị giá 432,8 triệu USD; tăng 4,5% về khối lượng và 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bỉ NK tôm nhiều nhất từ Hà Lan, chiếm 22% tổng giá trị NK tôm của Bỉ trong Q3/2017. Tiếp đó, Bangladesh đứng thứ 2 chiếm 21,7%; Ấn Độ đứng thứ 3 với 20%. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 cho Bỉ, chiếm 13% trong Q3/2017. Trong 5 nguồn cung chính cho Bỉ trong 3 quý đầu năm 2017, chỉ NK từ Hà Lan giảm, NK từ các thị trường còn lại đều tăng trong đó NK từ Đức tăng mạnh nhất với mức tăng trưởng 3 con số.
Trên thị trường Bỉ, tôm Việt Nam phải cạnh tranh giá với tôm Ấn Độ. Giá trung bình NK tôm vào Bỉ đạt 12 USD/kg trong khi giá NK tôm Bangladesh đạt 13 USD/kg; tôm Ấn Độ có giá 9 USD/kg và tôm Việt Nam có giá 10 USD/kg.
Tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến đóng túi kín khí (HS 160529) là 2 sản phẩm chính NK vào Bỉ. Đối với tôm chế biến (HS 160529), Việt Nam cung cấp sản phẩm này nhiều hơn cho thị trường Bỉ so với Ấn Độ. Đối với sản phẩm tôm nguyên liệu (HS 030617), nguồn cung từ Ấn Độ chiếm ưu thế hơn so với Việt Nam.
Với sản phẩm tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617), Bỉ áp thuế 4,81% đối với Ấn Độ và Việt Nam; Hà Lan và Bangladesh được hưởng thuế 0%.
Bỉ luôn nằm trong top 3 thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong khối EU, chiếm khoảng 14% tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang EU và chiếm 3% tổng XK tôm Việt Nam đi các thị trường trong năm 2017. Năm 2017, giá trị XK tôm Việt Nam sang Bỉ đạt trên 121 triệu USD; tăng 52% so với năm 2016.
Bỉ chủ yếu NK tôm chân trắng từ Việt Nam. Tôm chân trắng chiếm gần 75% tổng giá trị các sản phẩm tôm Việt Nam XK sang Bỉ. Năm 2017, XK các sản phẩm tôm chân trắng sang Bỉ đều tăng trong đó tôm chân trắng nguyên liệu (HS 03) tăng 71%, tôm chân trắng chế biến tăng 17%. Đáng chú ý, năm 2017, XK tôm sú chế biến sang Bỉ, dù chiếm tỷ trọng thấp, nhưng tăng trưởng 3 con số 604% so với năm 2016.
Có thể nói, Bỉ là một thị trường quan trọng trong khu vực EU đối với hàng thủy sản XK của Việt Nam. NK thủy sản của Bỉ trong đó có tôm khá ổn định do các sản phẩm này đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng lành mạnh. Bên cạnh đó, sản lượng nuôi trồng cũng như đánh bắt của Bỉ đều không tăng nhiều trong thời gian qua. Nên Bỉ sẽ là thị trường tiêu thụ tôm ổn định của Việt Nam trong thời gian tới.
DN nên lưu ý các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng hàng hóa khi XK sang Bỉ vì đây là thị trường thuộc châu Âu nổi tiếng với những điều kiện NK nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, để tôm Việt Nam có thể thâm nhập tốt hơn thị trường Bỉ, cần có chính sách tiếp cận các kênh phân phối hợp lý. Siêu thị là kênh phân phối thủy sản chính ở Bỉ. Tiếp đó là sự chú trọng đến tâm lý của người tiêu dùng Bỉ đối với các mặt hàng hải sản cụ thể và khả năng cạnh tranh trực tiếp với các nước cung cấp gần và vốn mạnh như Hà Lan, Pháp, Đan Mạch… Việc tập trung quảng bá tại các vùng có năng lực tiêu thụ cao tại Bỉ cũng cần tiến hành đồng thời.