Tin thị trường
Nhiều doanh nghiệp mở cửa lại, giá tôm thẻ miền Tây tăng mạnh (16/10/2021)

Trong một tuần, giá tôm thẻ tại miền Tây tăng đến 15.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp tại Sóc Trăng được xem là “trụ đỡ” giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

thu hoạch tômThu hoạch tôm thẻ tại Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang.
 

Chiều 7/9, nông dân huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tôm thẻ công nghiệp khi loại thủy sản này đang tăng giá. Một doanh nghiệp tại huyện Trần Đề mua tôm thẻ loại 30 con/kg giá 139.000 đồng, 40 con/kg 119.000 đồng, 50 con/kg 108.000 đồng.

Tôm thẻ loại 60 con/kg từ mức giá 92.000 đồng đã tăng lên 98.000 đồng/kg, 100 con/kg 73.000 đồng... Giá này tăng 1.000-6.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.

Nhiều công nhân thủy sản được tiêm mũi 2

Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết sau khi ngưng áp dụng “3 tại chỗ”, công nhân đã quay lại xưởng sản xuất được khoảng 60-70%. Các nhà máy thủy sản đồng loạt tăng công suất đã tạo ra “cứu cánh” cho con tôm miền Tây bị mất giá gần 2 tháng qua.

“Trong vòng một tuần, tôm thẻ tăng giá 15.000 đồng mỗi kg đối với loại 40 con. Tôm loại này công ty đang mua giá 120.000, tuần trước chỉ 105.000 đồng/kg. Loại 30 con giá 142.000, tăng 10.000 đồng/kg. Các kích cỡ nhỏ tăng 8.000-10.000 đồng/kg và còn tăng nữa”, ông Phục nói.

Theo ông chủ doanh nghiệp chế biến tôm có nhà xưởng lớn tại Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, những công nhân mới vào làm sẽ được xét nghiệm 100% liên tục 3 ngày đầu. Sau đó, doanh nghiệp xét nghiệm 20% công nhân mỗi ngày bằng kỹ thuật RT-PCR, trong khi KCN An Nghiệp quy định 7 ngày xét nghiệm 20% công nhân.

thu hoạch tôm thẻ
Giá tôm thẻ ở miền Tây đang tăng nhanh. Ảnh: Trường Giang.

“Tôi làm xét nghiệm cho công nhân mỗi ngày để an toàn. Khi nào Nhà nước xét nghiệm toàn dân thì tôi mới ngưng siết chặt như hôm nay. Mục đích siết chặt này là lỡ có F0 cũng không thành ổ dịch. Công nhân đi, về như hiện nay rủi ro cao lắm. Chúng tôi xét nghiệm cho công nhân là để khôi phục sản xuất và chấp nhận chi phí cao”, người đứng đầu Thủy sản sạch Việt Nam nói.

Ông Võ Văn Phục cũng nhấn mạnh rằng nhờ chủ trương tiêm vaccine trọng điểm nên doanh nghiệp an tâm sản xuất. Một số công nhân là lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp đã được tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng dùng chiến thuật siết chặt vùng nhỏ, xét nghiệm trọng điểm và tiêm vaccine trọng điểm. Ngoài việc chỉ đạo các nhà máy, doanh nghiệp có biện pháp ngừa Covid-19, lãnh đạo tỉnh này còn quan tâm đến việc tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng tài xế và phụ xe, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất.

“Với nguồn lực hạn chế nhưng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng phòng, chống dịch Covid-19 một cách khoa học, hiệu quả nên giữ được thành trì đến nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan. Còn giá tôm dự kiến tiếp tục tăng khá mạnh trong thời gian tới. Bà con nông dân cứ an tâm nuôi tôm, doanh nghiệp tôm sẽ cùng Nhà nước chung tay giúp bà con”, ông Phục.

Duy trì test nhanh định kỳ

Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau khi địa phương nới lỏng giãn cách tại các xã, phường, thị trấn vùng vàng và xanh, các doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp đã hoạt động trở lại được trên 50%. Hiện, công nhân đã quay vào KCN An Nghiệp làm việc được khoảng 11.000 người, đạt 50% so với lúc cao điểm.

Đối với vaccine phòng Covid-19, công nhân các nhà máy trong KCN An Nghiệp đã được tiêm trên 50%.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ký văn bản gửi Sở Công Thương, Ban Quản lý các KCN, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và các doanh nghiệp về việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bùng phát dịch bất cứ lúc nào, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, số lượng lao động nhiều.

Để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, phục vụ cho hoạt động sản xuất được an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “Sản xuất phải an toàn - An toàn mới sản xuất”, tuyệt đối không vì mục tiêu nâng cao sản lượng sản xuất mà lơ là, không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc theo quy định.

Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng lao động phải lưu ý kiểm tra các thông tin liên quan đến yếu tố dịch tễ để sàng lọc kịp thời, tránh trường hợp tuyển dụng những lao động có nguy cơ cao từ những vùng dịch trở về. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức test nhanh định kỳ đối với lực lượng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm.

phun khử trùng
Phun xịt hóa chất khử khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19 tại Cà Mau. Ảnh: Thanh Minh.

Tại Cà Mau, tối 7/9, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này ghi nhận thêm 9 trường hợp nhiễm nCoV trong ngày. Đối với 6 ca nhiễm nCoV trong cộng đồng mới phát hiện, có một công nhân của Công ty Cổ phần thủy sản Tập đoàn Minh Phú tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Là doanh nghiệp chế biến tôm lớn nhất, việc Tập đoàn Minh Phú có ca F0 được nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở miền Tây quan tâm. Tối 7/9, đại diện một công ty lớn tại Sóc Trăng cho biết giá tôm đang tăng trở lại, nếu doanh nghiệp thủy sản gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến thị trường nguyên liệu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Minh Phú cho biết trường hợp của anh H. là sau khi tỉnh có quyết định sản xuất theo tình hình mới, không phải “3 tại chỗ”. Vì vậy, khi công ty yêu cầu các công nhân đang nghỉ làm vào test nhanh thì phát hiện anh H. dương tính nên tiến hành truy vết, cách ly.

“Việc này có ảnh hưởng nhưng không nhiều. Chúng tôi đang cùng cơ quan chức năng truy vết nhanh, test thần tốc để đưa những công nhân âm tính vào sản xuất theo trạng thái bình thường mới”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Theo Việt Tường - Zing

Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành