Tin thị trường
Môi trường - yếu tố “sống còn” để phát triển bền vững ngành tôm (25/07/2023)

Còn rất xa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD

Những năm qua, ngành tôm có đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp; không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, con tôm còn mang về kim ngạch xuất khẩu mỗi năm trên 4 tỷ USD.

Môi trường sạch, ngành tôm mới phát triểnMôi trường sạch, ngành tôm mới phát triển. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, ngành tôm hiện gặp nhiều khó khăn về vấn đề môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu là 1 trong 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Tỉnh có 140.000ha nuôi tôm, sản lượng hàng năm đóng góp 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Từ 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng Bạc Liêu là trung tâm công nghiệp ngành tôm trong cả nước, với mục tiêu trở thành đầu mối đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ cao cho tôm nước lợ, trong đó, tỉnh tập trung sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến. Với xu thế chung phát triển ngành tôm theo xu thế gia tăng sản lượng, chất lượng, giá trị, tỉnh cũng đẩy mạnh mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh đã vượt mức dự báo trong hai năm tới, kéo theo một số vấn đề quá tải về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, dẫn đến môi trường dễ ô nhiễm và đây cũng là nguyên nhân khiến giống tôm không đạt chất lượng. Nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh chỉ thành công ở vài vụ đầu, sau đó treo ao. Thực tế môi trường đang là bài toán lớn cho sự phát triển của ngành tôm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, theo Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD. Năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha; sản lượng: 745.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỷ USD.

Theo ông Hữu, giai đoạn 2021 - 2023 đã triển khai 992 điểm quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trong đó vùng nuôi tôm 460 điểm (riêng đồng bằng sông Cửu Long có 36 điểm). Nhìn chung, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi. “Bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp... Đây là những hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm, ảnh hưởng lớn đến giá trị ngành tôm, làm cho mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trở nên xa xôi hơn”, ông Hữu nhận định. 

Ứng dụng công nghệ để giải bài toán môi trường

Nhận thức việc đẩy mạnh siêu thâm canh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, những năm qua, các tổ chức cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu đã không ngừng cải tiến công nghệ để bảo vệ môi trường. Điển hình là nuôi tôm theo mô hình khép kín tuần hoàn nước được Công ty TNHH SX và TM Trúc Anh (TP. Bạc Liêu) áp dụng thời gian gần đây. Nước thải sẽ được dẫn vào hồ chứa để lọc vi sinh, khi đó phân tôm sẽ được giữ lại, nước sẽ tiếp tục được lọc lần hai theo hình dích dắc, cuối cùng dẫn nước vào một hồ khác, qua nhiều khâu lắng lọc, nước đã sạch sẽ có thể bơm vào hồ tôm trở lại để tái sử dụng. Ngoài ra, công ty còn đầu tư máy ép phân tôm, sau khi ép và xử lý sẽ được tái sử dụng làm thức ăn cho gia cầm hoặc bón cho cây. 

TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II nhấn mạnh, về lâu dài việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tôm nhằm bảo vệ môi trường nuôi là yêu cầu quan trọng; ngoài ra để giảm bớt rủi ro cần mở các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho người nuôi tôm. Còn trước mắt, cần tăng cường hơn nữa công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, kênh đầu nguồn. Xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thoát và nạo vét phù hợp với hoạt động nuôi tôm. Quy hoạch vùng nuôi tôm theo cấp độ thâm canh phù hợp trên nguyên tắc an toàn sinh học, chất lượng nước, cấp thoát riêng biệt.

Để giải quyết bài toán môi trường, đại diện Cục Thủy sản đề xuất, giai đoạn 2023 - 2024 cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản về môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Chủ động hơn trong phòng, kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi trồng thủy sản. Đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ ngành tôm, rà soát quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho thủy lợi…

Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước, nước sạch tôm mới phát triển tốt. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần chuyển hóa quy chuẩn, tiêu chuẩn để cập nhật về mặt công nghệ, từ đó áp dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bộ sẽ cùng Cục Thủy sản phác thảo ý tưởng về mặt quy hoạch vùng nuôi bền vững, cùng ngồi với doanh nghiệp, địa phương, hợp tác xã để bàn bạc với nhau. Bên cạnh đó, sớm thành lập hiệp hội ngành hàng tôm không chỉ có mỗi doanh nghiệp, mà còn có địa phương, hợp tác xã, các nhà khoa học cùng tham gia. Phải có trách nhiệm với môi trường, với người tiêu dùng để xây dựng hình ảnh ngành tôm “sạch, trách nhiệm, bền vững”.

 

Nguồn: Báo Điện Tử Đại Biểu Nhân Dân 
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành