Cẩm nang nuôi tôm
Nuôi tôm ở vùng Đồng Tháp Mười: Càng cấm càng nuôi (27/08/2020)

 

Nuôi tôm thẻ ở vùng Đồng Tháp MườiNuôi tôm thẻ ở vùng Đồng Tháp Mười hiện đang bị cấm. Ảnh: K.Q
  •  
  •  

Mặc dù địa phương vùng Đồng Tháp Mười đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn cản việc tự ý chuyển diện tích đất trồng lúa sang nuôi tôm không đúng quy hoạch. Thế nhưng, càng cấm người dân càng nuôi.

Theo chính quyền địa phương, vào khoảng năm 2018, một số hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An) đã đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích ban đầu khoảng 3ha. Do tôm thẻ chân trắng phù hợp môi trường nước mặn, trong khi Đồng Tháp Mười là vùng nước ngọt, nên người dân khoan giếng khai thác nguồn nước mặn tại chỗ, đồng thời bổ sung muối vào ao nuôi.

Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu khá cao, gấp nhiều lần trồng lúa. Từ đó phong trào đào đất trồng lúa để nuôi tôm lan rộng ra nhiều xã của huyện Mộc Hóa và các huyện khác của tỉnh Long An như Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, TX.Kiến Tường… Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đã tăng lên hàng trăm hécta.


Hàng trăm hộ dân Đồng Tháp Mười chuyển đất lúa sang nuôi tôm bất chấp lệnh cấm. Ảnh: K.Q

Ông S. (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), một trong những người nuôi tâm thẻ đầu tiên ở vùng Đồng Tháp Mười, cho biết: Gia đình ông có 1ha ruộng trồng lúa nhiều năm qua chỉ đủ ăn, không khá lên được. Tìm hiểu qua Internet và đi tham quan vùng nuôi tôm ở nơi khác, ông thấy vùng Đồng Tháp Mười quê ông có thể nuôi được tôm. Sau khi thử trên mô hình hẹp thấy có hiệu quả, ông đã mạnh dạn chuyển hẳn 1ha đất trồng lúa sang nuôi tôm, chia làm 4 ao, trong đó có 3 ao nuôi và 1 ao xử lý nước tuần hoàn. Đã 6 vụ nuôi, ông S. đều thành công, mỗi vụ lợi nhuận nhiều trăm triệu đồng. Nhờ nuôi tôm mà gia đình ông nay đã giàu, có của ăn của để.

Một trường hợp khác là ông N. (xã Tân Lập) cũng đi đầu nuôi tôm và nhanh chóng khá giả. Từ nuôi tôm, ông N. mở thêm dịch vụ cung ứng thức ăn, con giống, thuốc thú y,… cho hàng trăm hộ nuôi tôm trong vùng.

Sự giàu có nhanh của các hộ nuôi đầu tiên đã kích thích bà con trong vùng, hàng trăm hộ dân đã chuyển đất trồng lúa sang nuôi tôm. Cứ mỗi hécta ruộng lúa chuyển sang nuôi tôm, người nuôi phải đầu tư 700 – 800 triệu đồng ban đầu. Nhiều hộ còn thuê ruộng của người khác để nuôi với giá 20 triệu đồng/ha/năm.


Nhiều hộ nuôi tôm kéo theo các loại dịch vụ ra đời. Ảnh: K.Q

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Long An, việc chuyển đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh,… Ngành chức năng huyện Mộc Hóa đã phạt hành chính một số trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm; đồng thời yêu cầu Điện lực Mộc Hóa không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn.

Bất chấp tất cả, người dân vẫn đổ xô nuôi tôm. Những biện pháp ngăn cấm của địa phương chỉ gây thêm khó khăn cho người nuôi chứ không ngăn được họ. Họ chấp nhận nộp phạt; không được cấp điện thì họ mua máy nổ để chạy hệ thống quạt sục khí tạo ô xy cho tôm phát triển…

Theo kinh nghiệm của nhiều vùng nuôi khác từng phát triển tự phát tương tự như Long An, một khi hiệu quả nuôi tôm quá cao so với trồng lúa, không có cách gì ngăn cản người dân từ trồng lúa chuyển sang nuôi tôm. Vấn đề là cần quản lý, hướng dẫn người dân cách nuôi sao cho không làm tổn hại đến môi trường, giảm thiểu rủi ro, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu trên ruộng đất của mình.

Theo Kỳ Quan Báo Lao Động
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành