Là người gây dựng cơ nghiệp từ nghề nuôi trồng thủy sản, những sáng kiến của chị Trần Thị Hồng Vân đã giúp nông dân thoát cảnh nợ nần, có thêm sinh kế mới. Vân được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của 2017.
Sáng kiến nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối của chị Trần Thị Hồng Vân (34 tuổi, ngụ xã Phước Quảng, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) là giải pháp giúp hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản tại H.Quảng Điền thoát cảnh nợ nần, thua lỗ.
Trần Thị Hồng Vân đã dành nhiều tháng khảo sát trên các ao nuôi, tìm đọc tài liệu về nuôi trồng thủy sản để giải mã hiện tượng tôm sú dịch bệnh. Ngoài nguồn nước, Vân cho rằng người dân chỉ nuôi tôm sú, lượng thức ăn tồn dư quá nhiều cũng làm tăng ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh dịch bệnh. Bằng kiến thức đã tìm hiểu và tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chị Vân tìm cách vận động người dân chuyển đổi giống nuôi trồng, đặc biệt là đưa cá đối vào nuôi xen ghép cùng các loại thủy sản khác.
“Người dân bao năm chỉ nuôi tôm sú, tâm lý bảo thủ nên chuyển đổi sang nuôi con khác thì không mặn mà, bỡ ngỡ, mình phải đến từng nhà kiên trì vận động làm thử”, chị kể lại.
Trần Thị Hồng Vân. ẢNH: NVCC
Chị Vân đã thử nghiệm nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình và cá đối trên diện tích 8 ha, được chính quyền địa phương ủng hộ, hỗ trợ miễn phí giống cá đối. Qua một vài đợt nuôi thử nghiệm, các ao nuôi đều cho năng suất cao, đặc biệt là không xảy ra dịch bệnh.
“Khi thả vào ao nuôi xen ghép, con cá đối có vai trò như đối tượng xử lý môi trường khi ăn thức ăn dư thừa và các mùn bã hữu cơ, phân của các loài khác khiến môi trường nước được cải thiện, loại bỏ tác nhân ô nhiễm do thức ăn dư thừa. Chi phí cho mô hình xen ghép này thấp hơn so với chỉ chuyên nuôi tôm sú. Người nuôi có thu nhập tăng thêm từ con cá đối với mức giá bán 80.000 - 120.000 đồng/kg”, chị Vân chia sẻ.
Thành công đó nhanh chóng được người dân nhân rộng. Sau 3 năm, diện tích ao nuôi chuyển đổi, xen ghép đã lên tới 643 ha, chiếm 99% tổng diện tích ao nuôi tại địa phương. Mô hình này cũng được chọn để nhân rộng trong toàn H.Quảng Điền, vực nghề nuôi thủy sản phát triển, kinh tế nhiều hộ gia đình đã phục hồi trở lại sau một thời gian dài rơi vào cảnh nợ nần do thất bại từ việc nuôi tôm.