Hợp tác quốc tế
Nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt: Nhiều hệ luỵ về môi trường (17/05/2014)
Sáng ngày 14/5, Tổng Cục Thuỷ sản phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đánh giá ảnh hưởng của nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt tại các tỉnh Nam bộ.
 
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ 
các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các hộ nuôi tôm và các chuyên gia nghiên cứu 
về tôm thẻ chân trắng cùng tham dự hội thảo


 
Theo thống kê của Tổng Cục Thuỷ sản, hiện một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân đã tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt và vùng nhiễm mặn ước khoảng 1.194 ha. Để nuôi được loại tôm này, ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao.

Riêng tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 4/2014, toàn tỉnh có 57 hộ nuôi với diện tích hơn 64 ha tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Nông (38,7 ha) và thị xã Hồng Ngự (13,5 ha). Đến nay, đã có 14 hộ thu hoạch với sản lượng 70 tấn, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha. Hầu hết  hộ nuôi đều khoan giếng sử dụng nguồn nước ngầm để thả nuôi.
 
PGS-TS Trương Quốc Phú (Đại học Cần Thơ): Lợi nhuận của nuôi tôm thẻ chân trắng
 trong vùng nước ngọt ban đầu có thể mang lại lợi ích trước mắt 
nhưng lâu dài sẽ có nhiều tác hại nghiêm trọng

 
Các nhà khoa học tham dự tại hội thảo đều cho rằng, không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Bởi các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nên nguồn nước thải đưa trực tiếp ra sông, kênh rạch và mật độ thả nuôi cao và lượng thức ăn sử dụng nhiều sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm thẻ chân trắng là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II, việc sử dụng nước giếng khoan có độ mặn từ 3-7%, pha thêm muối và một số khoáng chất để nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất lúa. Khu vực nước ngọt Đồng Tháp là một trong những vùng thượng nguồn, nếu như dịch bệnh xảy ra, mầm bệnh sẽ theo nước, theo vật chủ lây truyền cho vùng nuôi ở cửa sông.

Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng là đối tượng mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan mầm bệnh từ tôm thẻ chân trắng sang cho tôm càng xanh và một số loài thuỷ sản khác.

Một số hộ đang nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Đồng Tháp cho biết, họ không nắm được những tác hại lâu dài khi nuôi thẻ chân trắng nhưng do lợi nhuận từ loài thuỷ sản này khá hấp dẫn nên đã chuyển diện tích nuôi tôm càng xanh, trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, vẫn có nông dân cho rằng, nguồn nước từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng không gây hại đến sản xuất lúa.
 
Ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng Cục Thuỷ sản yêu cầu Viện nghiên cứu 
Nuôi trồng Thuỷ sản II tiến hành khảo sát thực tế và báo cáo kết quả đối với thông tin 
một số hộ dân ở tỉnh Long An cho rằng có thể nuôi tôm thẻ chân trắng hoàn toàn trong nước ngọt

 
Ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng Cục Thuỷ sản nhấn mạnh: tôm thẻ chân trắng đã mang lại lợi ích kinh tế trước mắt do năng suất cao, giá bán khá hấp dẫn nhưng tác hại lâu dài là rất lớn. Dự báo, sản lượng tôm chân trắng ở các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang phục hồi, do đó giá tôm trong nước sẽ giảm.

Ông Điền cũng yêu cầu Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản phải có báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng và đề xuất những vấn đề về quản lý, cấm sử dụng nước ngầm đối với nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt. Các Chi cục Thuỷ sản và các nhà khoa học cần thông tin rộng rãi những tác hại khi chuyển đổi nuôi sang nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt để người dân nắm được và hạn chế nuôi tự phát như vừa qua.
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành